Trước khi giải đáp nội dung tách thửa là gì, Batdongsan.com.vn sẽ đề cập đến khái niệm về thửa đất. Theo đó, trong Luật Đất đai năm 2013, thửa đất được hiểu là: “phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ”.
Hay nói cách khác, thửa đất chính là phần đất đảm bảo các tiêu chí: có ranh giới được đo đạc bởi các cơ quan địa chính có thẩm quyền, minh bạch các thông tin về vị trí hoặc mục đích sử dụng,...
Từ khái niệm này có thể hiểu tách thửa là gì, đó chính là việc phân chia về quyền sử dụng đất đai trên một thửa đất. Hiểu nôn na, từ một thửa đất ban đầu, có thể thuộc một hộ hoặc một cá nhân, chia ra thành nhiều phần, thuộc quyền sử dụng của nhiều hộ hoặc nhiều cá nhân khác nhau.
Tách thửa là nhu cầu của không ít người
Ngoài việc tìm hiểu tách thửa là gì, bạn cũng cần tìm hiểu một số quy định liên quan như điều kiện, quy trình tách thửa để đảm bảo yêu cầu của mình được phê duyệt.
Khi có mong muốn được tách thửa đất, bạn cần lưu ý tới một số điều kiện bắt buộc như sau:
- Có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với mảnh đất đó hoặc là đảm bảo đủ điều kiện để được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận.
- Đất không thuộc một trong các trường hợp như: đang bị tranh chấp, đang bị kê biên vì mục đích thi hành án hoặc thuộc diện không được tách thửa theo một số quy định trong văn bản pháp luật.
- Đất còn thời hạn sử dụng.
- Diện tích tách phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tách thửa tối thiểu. Về diện tích tách thửa tối thiểu, các văn bản pháp luật không quy định cụ thể mà theo Luật Đất đai, căn cứ vào thực tiễn của địa phương mà con số này có thể khác nhau.
Một lưu ý về diện tích tách thửa tối thiểu, đó là: cơ quan quy định nội dung này chính là Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
Cần đảm bảo các điều kiện điều kiện tách thửa đất theo quy định
Để thực hiện được nguyện vọng này, người sử dụng đất cần đảm bảo thủ tục với trình tự các bước như sau:
- Bước 1: Làm hồ sơ
Theo Khoản 11 Điều 9, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ xin tách thửa được quy định như sau:
- Đơn đề nghị tách thửa.
- Giấy chứng nhận bản gốc về quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng).
- Sơ đồ kỹ thuật với các nội dung cụ thể của thửa đất đó.
Trong trường hợp thửa đất thuộc diện chuyển nhượng thì cần cả hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng và chứng minh thư, hộ khẩu cả hai bên.
- Bước 2: Nộp hồ sơ
Đối với tổ chức hoặc cơ sở tôn giáo thì hồ sơ nộp về văn phòng đăng ký đất đai. Nếu là cá nhân thì nộp tại phòng Tài nguyên môi trường cấp huyện hoặc tương đương cấp tỉnh.
- Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ
Khi hồ sơ được nộp, cơ quan tiếp nhận sẽ có nhiệm vụ kiểm tra, hồi đáp, chuyển hồ sơ tới Văn phòng đăng ký đất đai. Khi có kết quả thì trả cho người nộp.
Nếu hồ sơ chưa đủ hoặc chưa hợp lệ, trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn người nộp bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
- Trong thời hạn 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Phòng TN&MT có trách nhiệm thực hiện thực hiện các nhiệm vụ sau:
+ Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất.
+ Lập hồ sơ, sau đó gửi tới các cơ quan có thẩm quyền nhằm mục đích cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất mới được tách cho cá nhân, hộ gia đình hoặc tổ chức.
+ Cập nhật, chỉnh lý các nội dung mới lên hồ sơ địa chính; cơ sở dữ liệu đất đai. Sau đó, gửi Giấy chứng nhận cho bộ phận tiếp nhận để trả cho cá nhân, hộ, tổ chức.
* Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp; khiếu nại; tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (sau đây gọi là chuyển quyền) thì Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
+ Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
+ Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền.
- Bước 4: Trả kết quả
Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai chỉnh lý; cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; chuyển Giấy chứng nhận sang Bộ phận tiếp nhận; và trả kết quả để trả cho người sử dụng đất; hoặc gửi Giấy chứng nhận cho UBND cấp xã để trao cho người sử dụng đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại cấp xã.
Người dân sẽ được hướng dẫn cụ thể về trình tự, hồ sơ tách thửa
Nếu chỉ đơn thuần thực hiện việc tách thửa, người dân sẽ phải trả hai loại tiền là: phí đo đạc, phí cấp sổ đỏ (trong trường hợp cần thiết).
- Phí đo đạc: trả cho bên thứ ba được thuê để thực hiện nhiệm vụ đo đất. Bởi không phải là cơ quan thuộc nhà nước nên không có quy định cụ thể mà tùy đơn vị cung cấp dịch vụ.
- Phí cấp sổ đỏ cụ thể theo quy định của Ủy ban Nhân dân từng địa phương.
Trong trường hợp hoạt động này có gắn với cho tặng hoặc chuyển nhượng, có thể thêm:
- Lệ phí trước bạ được tính bằng tích của phần trăm mức thu lệ phí trước bạ và giá được tính theo lệ phí trước bạ.
- Phí thẩm định hồ sơ.
- Thuế thu nhập cá nhân, được quy định cụ thể tại Thông tư 113/20011/TT-BTC của Bộ Tài chính:
+ Với trường hợp có đủ các loại hóa đơn, chứng từ, mức thuế là 25%.
+ Khi hóa đơn mua bán không có nhưng có giấy tờ khác hợp lệ đảm bảo thông tin giá mua, chi phí khác thì mức thuế bằng 2% của giá chuyển nhượng, tách thửa.
+ Trường hợp không rõ giá hoặc giá thấp hơn mức trung bình thì tính theo bảng giá đất, lệ phí được đề ra trong quy định của tỉnh.
Người thực hiện thủ tục tách thửa sẽ có kết quả không quá 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ, không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Thời gian trên không tính các ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã; thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật; thời gian trưng cầu giám định.
Sau khi tìm hiểu tách thửa là gì và các điều kiện đi kèm khi có nhu cầu tách thửa, bạn cũng sẽ nắm được những loại đất thuộc diện không được tách thửa dưới đây.
Ngoài các quy định về tranh chấp hoặc kê biên, các trường hợp không được tách cụ thể gồm:
- Đất thuộc diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành quyết định thu hồi.
- Đất không đảm bảo các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận hợp pháp.
- Đất thuộc diện quy hoạch và đã được cấp huyện lập kế hoạch sử dụng hàng năm.
Trường hợp thuộc diện quy hoạch nhưng kế hoạch sử dụng hàng năm chưa có (chúng ta quen gọi với từ quy hoạch treo) thì người dân vẫn có thể thực hiện tách thửa cũng như các quyền khác, như: cho thuê, thừa kế, chuyển đổi mục đích, thế chấp,...
Đất quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch sử dụng hàng năm thì vẫn được thực hiện đầy đủ các quyền
Với những thông tin tách thửa là gì, điều kiện, thủ tục tách thửa mà Batdongsan.com.vn chia sẻ, hi vọng sẽ hữu ích trong trường hợp bạn cần thực hiện thủ tục hành chính này. Ngoài việc cập nhật các kiến thức pháp lý mới nhất, bạn cũng đừng quên tìm đọc các bài viết về kinh nghiệm mua bán nhà đất, mẹo trang trí nhà, làm đẹp không gian sống,... được đăng tải mỗi ngày trên chuyên mục Wiki BĐS nhé!
Hà Linh
Xem thêm:
>> Thửa đất là gì - cách tra cứu thông tin thửa đất online
>> Phân lô bán nền là gì? 11 điều cần lưu ý khi mua đất phân lô bán nền